Thuật ngữ Thân_vương_quốc

Thuật ngữ "thân vương quốc" thường được dùng không chính thức để chỉ Wales, dù rằng cách dùng từ này không có cơ sở hiến định. Thân vương quốc Wales từng tồn tại ở miền bắc và miền tây xứ Wales trong giai đoạn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI. Vào thế kỷ XV, Wales thực tế gồm hai thực thể hành chính riêng rẽ: Thân vương quốc Wales (đứng đầu là Thân vương xứ Wales, tiếng Anh: Prince of Wales) và các mark của Wales (tự trị hoàn toàn, nằm dưới quyền các quý tộc).[1] Về phương diện pháp lý, các Laws in Wales Act năm 1536 và 1543 đã hợp nhất Wales vào lòng Anh Cách Lan (England); các mark bị bãi bỏ và Wales được chia thành nhiều shire với cung cách quản lý tương tự các hạt của Anh Cách Lan.[2] Kể từ đó thì theo truyền thống, tước vị Thân vương xứ Wales - cùng với Công tước xứ Cornwall (Duke of Cornwall) và Công tước xứ Rothesay (Duke of Rothesay) - được phong cho người kế vị của quốc vương đang trị vì Anh Quốc, tuy nhiên người này không có trách nhiệm cai trị Wales.[3] Ở vùng đông bắc Tây Ban Nha trong giai đoạn từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII từng tồn tại Thân vương quốc Catalonia - có chủ quyền căn cứ theo "Hiến pháp về Thân vương quốc Catalonia" cho đến khi chiến bại dưới tay người Catala trong cuộc chiến tranh giành quyền kế vị ngai vàng "các vương quốc Tây Ban Nha" (1701-1714, tên theo cách gọi vào thời kỳ lịch sử đó).

Có nhiều hình thái thân vương quốc; đó có thể là một lãnh địa bá tước, một mark hoặc một công quốc. Thỉnh thoảng, thuật ngữ "thân vương quốc" cũng được dùng để chỉ một nền quân chủ bé nhỏ, do một quân chủ có cấp bậc thấp hơn vua cai trị - chẳng hạn fürst (như ở Liechtenstein) hoặc đại công tước. Ngày nay không có công quốc có chủ quyền nào còn tồn tại, riêng Luxembourg là ví dụ duy nhất về đại công quốc còn tồn tại.